Thành Phố Phía Đông tương lai như thế nào ?
Bài viết được lấy từ vnexpress.net !
Theo phương án quy hoạch của Công ty Sasaki – enCity – đơn vị được UBND TP HCM chấm giải Nhất, Khu đô thị sáng tạo phía Đông (22.000 ha thuộc địa bàn quận 2, 9 và Thủ Đức) gồm 6 khu vực trọng điểm: Công nghệ cao, Đại học quốc gia, Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Tam Đa và Trường Thọ với mỗi khu có mỗi chức năng khác nhau.
Theo đề xuất của Công ty Sasaki, các quận 2, 9 và Thủ Đức cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển với các chức năng trọng điểm về tài chính, khoa học, giáo dục… Vì thế, TP HCM phải xin cơ chế đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư và nhân tài cho khu khu vực này.
Khu công nghệ cao (SHTP) – Trung tâm sản xuất tự động hóa. Dựa trên năng lực sản xuất hiện có, khu công nghệ cao được định hướng để thúc đẩy tương lai sản xuất và thiết kế sáng tạo. Tại đây, đơn vị lập quy hoạch đề xuất xây nhà ga tàu điện ngầm ở phía Bắc của khu vực kết nối với tất cả khu trung tâm khác.
Theo Công ty Sasaki, trong phát triển kinh tế, TP HCM cần ưu tiên các nhóm ngành nghề hiện có và phát triển chiến lược các nhóm để hỗ trợ. Cụ thể, hợp tác với các công ty sản xuất phần cứng Bosh, Intel, Samsung, phát triển ngân hàng điện tử fintech để tận dụng sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính và công nghệ phần mềm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trung tâm công nghệ giáo dục ĐH Quốc gia TP HCM. Nơi đây sẽ là một quần thể giáo dục đào tạo trên nhiều lĩnh vực gần Khu đô thị Đại học quốc gia.
Trung tâm này sẽ tập trung tri thức cho việc nghiên cứu hợp tác giữa các trường đại học, các công ty nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm nghiên cứu giúp thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Khu tài chính Thủ Thiêm được quy hoạch với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực. Khu vực có vị trí địa lý thuận lợi nằm gần trung tâm TP HCM và giáp với sông Sài Gòn, các kết nối giao thông hiện tại sẽ giúp Trung tâm tài chính Thủ Thiêm trở thành một đô thị rộng lớn hơn.
Tại trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, hạ tầng giao thông sẽ ưu tiên cho đi bộ và tàu điện ngầm kết nối tất cả khu vực quan trọng. Lối đi ở bờ sông và sân các nhà thờ kết nối đường phố, thông suốt cho các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, mua sắm.
Rạch Chiếc – Trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á. Khu vực này được quy hoạch nhắm tới việc khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và kinh doanh thể thao tại Đông Nam Á. Nơi đây sẽ là một điểm đến quốc tế về đổi mới trong y học, thể thao, sinh học, các sản phẩm liên quan đến thể thao và các ngành liên quan với mục tiêu cải thiện sức khỏe.
Nơi đây sẽ bao gồm các trung tâm sáng tạo thể thao, khu sản xuất đồ thể thao, trung tâm chăm sóc sức khỏe. Từ đó kiến tạo nên một vùng không gian rộng lớn với sân vận động là tâm điểm hội tụ.
Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa ở quận 9 sẽ là nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành.
Những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái. Khu vực này có các điều kiện địa điểm tự nhiên của bờ sông để thúc đẩy du lịch sinh thái và trung tâm chế biến thực phẩm có thể hỗ trợ phát triển ẩm thực cũng như các ngành công-nông nghiệp.
Khu đô thị tương lai Trường Thọ được cải tạo từ khu cảng hiện hữu với hệ thống không gian mở có nhiều chức năng đa dạng. Tại đây cũng sử dụng vành đai giao thông khép kín để kết nối các khu vực khác nhau, dễ tiếp cận đến từng ngóc ngách, ưu tiên người đi bộ.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/thanh-pho-phia-dong-tuong-lai-nhu-the-nao-4123779.html
27 comments